Đóng

Ẩm thực

CHUYỂN ĐỘNG VỚI THƯ PHÁP ĐƯƠNG ĐẠI

Không gian Phiêu Diêu – không gian dành riêng để trưng bày các tác phẩm thư pháp đương đại của hai nghệ sĩ – thư pháp gia Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng và Thiền Phong Phạm Văn Tuấn được trưng bày tại Không gian Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Tác phẩm Rồng Rắn Lên Mây là điểm nhấn đặc sắc cho Không gian Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Bước vào Không gian này, các tác phẩm thư pháp đương đại lớn nhỏ điểm xuyết trong không gian, trong đó nổi bật là bức Rồng Rắn Lên Mây kích cỡ lớn treo phía trên trần nhà cùng hai bức Vô đề treo hai bên hành lang.

Không gian thư pháp Phiêu Diêu với các tác phẩm của hai nghệ sĩ Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn.

Dường như yếu tố “động” chính là điều mà hai thư pháp gia từ nhóm thư pháp Tiền vệ luôn muốn truyền tải trong tác phẩm của họ. Ngay trong không gian triển lãm Phiêu Diêu – một không gian tĩnh, ta cũng có thể thấy tính “động” khi mỗi nét bút trong từng tác phẩm đều thể hiện sự giải phóng năng lượng gợi ra những cảm xúc mạnh mẽ cho khách tham quan.

Tác phẩm Vô Đề với sự kết hợp của hai sắc đen và đỏ của mực đất- loại mực đặc trưng do Nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương chế tác.

Sử dụng văn bia cổ làm phông nền cho thư pháp đương đại.

 

Tác phẩm Ấn triện với bóng đổ tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng

Hoa văn từ trang sách cổ và ấn triệu dùng làm phông nền cho tác phẩm

Cận cảnh kết cấu của mực đất trên tác phẩm

Không gian thư pháp Phiêu Diêu

Tác phẩm Hồ Gươm với nét mực nhòe, ướt.

Không gian trưng bày gồm 16 tác phẩm thư pháp chữ Nôm, nhưng được trình bày bằng tinh thần của trường phái biểu hiện trừu tượng, và thẩm mỹ của nghệ thuật thị giác. Chẳng hạn, tác phẩm Hồ Gươm có những nét mực nhòe, ướt làm nền tạo độ tương phản với nét chữ lì. Có tác phẩm lại sử dụng hoa văn từ văn bia cổ, ấn triện và trang sách xưa –  những chất liệu cổ điển để làm phông nền, vừa có tác dụng thẩm mỹ vừa kết nối với lịch sử. Hay Phiêu Diêu – tác phẩm mang chủ đề của buổi triển lãm được treo ở trung tâm căn phòng gây ấn tượng bằng cách tách ra làm ba phần rồi treo lộn ngược. Hai tác phẩm Ấn triện hai bên căn phòng lại tạo hiệu ứng chiều sâu và bóng đổ bằng cách đặt các con ấn với chiều cao khác nhau. Từng con chữ trên các ấn triện đã được tác giả (nghệ sĩ Nguyễn Quang Thắng) tách bỏ nghĩa chỉ còn hình bóng của chữ.

LH