Đóng

Không gian sáng tạo

Kết nối bảo tàng và cộng đồng để thúc đẩy sáng tạo

Các Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, Văn học Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam… thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động kết nối cộng đồng một cách sáng tạo, hiệu quả.

Học sinh Trường Tiểu học Quốc tế Alaska tham gia hoạt động giáo dục, trải nghiệm về Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Đinh Thuận – TTXVN

Bảo tàng có vai trò như là nguồn sử liệu gốc, là trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo của khách tham quan. Những năm gần đây, các bảo tàng tại Hà Nội tích cực đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhằm hướng tới thực hiện hiệu quả các vai trò trên.

*Mở rộng hoạt động sáng tạo

Từ năm 2023 đến tháng 4/2024, Bảo tàng Hà Nội tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục di sản trải nghiệm tại bảo tàng. Với lợi thế lưu giữ một kho tàng quý giá trên 73.000 tài liệu, hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của Hà Nội, khuôn viên rộng, hiện đại, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục như: Các trò chơi dân gian, chợ Tết, rước trăng chơi phố dịp Trung thu… Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội còn nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể. Bảo tàng còn thường xuyên mời nghệ nhân là những chủ thể của di sản tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu, trình diễn các nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, nhiều chương trình giáo dục có sự tham gia trực tiếp của những người khuyết tật với vai trò người hướng dẫn giáo dục trải nghiệm hoặc người hưởng thụ các hoạt động giáo dục của bảo tàng.

Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ chia sẻ: “Khách tham quan, trải nghiệm với nhiều mục đích khác nhau, vì vậy Bảo tàng luôn chú trọng xây dựng nội dung chương trình giáo dục phù hợp cho các đối tượng khác nhau”.

Trải nghiệm chơi cờ Mặt trời tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Minh Ngoc – TTXVN

Còn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, hoạt động giáo dục di sản cũng là một thế mạnh của Bảo tàng nhưng để công chúng hiểu hơn di sản, Bảo tàng tổ chức bằng nhiều hình thức. Đó là hoạt động trải nghiệm trực tiếp cho gia đình, có gói sản phẩm kịch bản riêng cho chương trình này; xây dựng sản phẩm dành cho nhà trường, trong đó kết hợp với các công ty du lịch đưa học sinh đến tham gia; chương trình giáo dục mang tính chuyên ngành đặc thù, bằng hình thức tổ chức các workshop. Các hoạt động trải nghiệm giáo dục được tổ chức để kéo công chúng đến, tạo ấn tượng và để người ta quay trở lại bảo tàng.

Bà Lê Thị Liên, cán bộ Phòng Giáo dục công chúng – Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, Bảo tàng chia nhỏ các gói nên nhiều bạn trẻ đến Bảo tàng từ 10 – 20 buổi, đi từng bước một để có một hành trang, cẩm nang, sơ đồ tư duy về lịch sử Việt Nam. Bảo tàng cung cấp cho các bạn trẻ những kiến thức cơ bản nhất để các bạn có những hiểu biết nhất định về lịch sử nước nhà.

Bên cạnh đó, các Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, Văn học Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam… cũng tổ chức nhiều hoạt động kết nối cộng đồng một cách sáng tạo, hiệu quả. Người tham gia trải nghiệm tại bảo tàng phần lớn là học sinh, sinh viên nên được xác định là đối tượng chính, tập trung của bảo tàng khi xây dựng các nội dung hoạt động trải nghiệm.

Để tăng tính hiệu quả trong việc giáo dục di sản, các bảo tàng đã mở rộng hoạt động sáng tạo, tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm. Thông qua việc hợp tác cùng các tổ chức và đơn vị khác tổ chức các hoạt động, các bảo tàng thực hiện nhiều hoạt động giáo dục phong phú, kết nối với cộng đồng một cách hiệu quả.

*Tăng sức hút cho việc kết nối

Hiện nay, rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ có nhu cầu tương tác, trải nghiệm khi đến với bảo tàng. Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động trải nghiệm cũng như tăng cường mối liên kết giữa bảo tàng và cộng đồng đang được nhiều bảo tàng quan tâm. Bởi thực tế, bảo tàng và cộng đồng là mối quan hệ tương hỗ, bảo tàng ra đời là phục vụ cộng đồng, giúp hưởng thụ các giá trị, sản phẩm của bảo tàng mang lại. Giá trị đó không chỉ là hiện vật trưng bày mà là những hiểu biết và những ấn tượng tốt về hiện vật. Vai trò của người giáo dục ở các bảo tàng không chỉ là thuyết minh, hướng dẫn mà là người kết nối, cùng tham gia vào hoạt động đó, lắng nghe nguyện vọng để nắm bắt nhu cầu của công chúng.

Trải nghiệm làm móc khóa hình thú nhồi bông tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Minh Ngọc- TTXVN

Các chuyên gia, nhà hoạt động sáng tạo đã đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục, kết nối cộng đồng thông qua bảo tàng như: Đa dạng hóa các chương trình, hoạt động giáo dục phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, cần kết hợp chú trọng phát triển các hoạt động trải nghiệm, tương tác, ứng dụng công nghệ số để thu hút sự tham gia tích cực của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các bảo tàng cũng cần tăng cường nghiên cứu, khảo sát để hiểu rõ nhu cầu và sở thích của công chúng, từ đó xây dựng các chương trình, hoạt động giáo dục thiết thực và hiệu quả hơn. Đồng thời, bảo tàng kết nối với các công ty lữ hành, tổ chức, cá nhân để tăng khả năng thu hút khách.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể (VICH), đơn vị thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại bảo tàng chia sẻ: Di sản muốn đến được với công chúng, với cộng đồng phải có dẫn dắt bằng ý niệm và cách làm của giáo dục. Thay vì những chương trình lớn, Trung tâm lựa chọn làm những chương trình biểu diễn quy mô vừa phải với lượng thời gian vừa đủ, thời gian còn lại chú trọng tương tác với khán giả dưới các hình thức như trò chuyện hay đưa vào đó những trò chơi đặc sắc.

Đạo diễn Ninh Quang Trường nhìn nhận, để bảo tàng hấp dẫn công chúng, cần khai thác nền tảng, sản phẩm mà không gian bảo tàng đang có để phát huy, chạm tới công chúng. Các bảo tàng cần tìm kiếm dư địa đó để có thể đẩy lên làm sản phẩm mới, tạo “trend” thu hút công chúng tìm đến không gian đó. Bảo tàng giống như một cuốn sách giáo khoa, nhưng cách truyền đạt từ cuốn sách giáo khoa đến công chúng lại khác nhau, phụ thuộc vào người “thổi hồn” cho nó, mang đến cách kể chuyện mới, sáng tạo mới. Đạo diễn Trường cũng cho rằng, việc kéo khách đến bảo tàng không khó nhưng phải đi tìm từ khóa để kéo khách đến, tức là đi tìm “long mạch” để xem thời điểm nào, nói câu chuyện gì để kéo mọi người đến.

Hoạt động giáo dục đã góp phần nâng cao nhận thức, gia tăng sự tương tác và tham gia của công chúng với bảo tàng, đồng thời mở ra nhiều cơ hội triển khai các ý tưởng sáng tạo mới. Thông qua những nỗ lực, các bảo tàng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là một thiết chế văn hóa – giáo dục, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, tham quan, trải nghiệm của đông đảo công chúng, thúc đẩy sự gắn kết với cộng đồng./.

Đinh Thị Thuận
12024-12-31 23:59:592024-12-07T22:350