Kết nối làng nghề truyền thống, đưa sản phẩm OCOP đến với người dân qua ứng dụng iHanoi
Với quyết tâm nâng cao chất lượng và thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã triển khai Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) giúp người dân kết nối với các sản phẩm, làng nghề truyền thống chỉ cần vài thao tác đơn giản qua thiết bị điện thoại thông minh.
Việc triển khai Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) là một trong những hoạt động chuyển đổi số của thành phố Hà Nội, theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 thành phố Hà Nội cho biết, chuyển đổi số Hà Nội thực hiện trên 3 nguyên tắc: Thượng tôn pháp luật, Luôn luôn lắng nghe, Thái độ phục vụ; cùng 7 phấn đấu: Nhận thức đầy đủ – Tầm nhìn dài hạn – Tư duy sáng tạo – Giải pháp thông minh – Hành động quyết liệt – Hiệu quả thực chất – Phục vụ nhân dân.
Theo kế hoạch vận hành một số ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ. Ứng dụng iHanoi được kỳ vọng là công cụ hữu ích đối với người dân và du khách khi đến Hà Nội, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin và nhiều tiện ích đáng chú ý khác, ứng dụng iHanoi sẽ chính thức ra mắt vào ngày 28/6/2024.
Trong đó, tính năng bản đồ OCOP, làng nghề của iHanoi cho phép người dùng dễ dàng tra cứu các sản phẩm OCOP theo từng khu vực, xem thông tin sản phẩm, thông tin nhà cung cấp sản phẩm; Làng nghề – người dân có thể xem thông tin về hơn 300 làng nghề hiện có ở Hà Nội; Truy xuất nguồn gốc – người dân có thể quét mã QR trên các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm để xem thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm.
Bản đồ OCOP giúp người dùng khám phá, tìm hiểu sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống của Thủ đô một cách nhanh, thuận tiện nhất bằng công nghệ hiện đại qua thiết bị di động thông.
Khi sử dụng bản đồ OCOP trong ứng dụng iHanoi, người dùng được chỉ dẫn đến những sản phẩm gần nhất, như: Bánh rán mặn Gia Trịnh; Bánh nướng cốm; Chả cốm Đình Dũng; Chả cốm; Bánh đa nem; Hà thủ ô đỏ chế KOCHI-dạng bột;… đây là một trong những sản phẩm OCOP được thành phố Hà Nội công nhận.
iHanoi còn chỉ đường cho người dùng đến với Làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng. Đây là làng gốm lâu đời nổi tiếng nhất ở Việt Nam, là nơi lưu giữ nét văn hóa truyền đời của Hà Nội, mà còn một trong những nguồn cung cấp đồ gốm sứ lớn nhất Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, Làng gốm Bát Tràng ngày nay là địa điểm du lịch rất hấp dẫn ở gần Hà Nội, thu hút nhiều người muốn tìm hiểu về kỹ nghệ làm gốm, cũng như mua về nhà những sản phẩm gốm sứ đa dạng cả về chủng loại lẫn kiểu dáng.
Ngoài ra, iHanoi cũng giới thiệu và chỉ dẫn đến người dùng với nhiều làng nghề truyền thống khác của Thủ đô Hà Nội, như: Làng quất Quảng Bá; Làng xôi Phú Thượng; Làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc; Làng nghề bánh cuốn Thanh Trì; Làng nghề nuôi rắn Lệ Mật; Làng nghề rèn Đa Sỹ; Làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu…
Anh Trần Minh Đức, một cư dân quận Bắc Từ Liêm cho biết, trước đây, khi muốn biết thông tin về sản phẩm OCOP hay như tìm hiểu về điểm đến làng nghề truyền thống nào đó, tôi phải tìm hiểu thông qua nhiều nguồn khác nhau, thậm chí phải đến trực tiếp. Điều này không chỉ mất thời gian mà còn không hiệu quả. Với iHanoi, tôi có thể tra cứu thông tin mọi lúc, mọi nơi, giúp công việc của tôi trở nên linh hoạt và chuyên nghiệp hơn.
Ứng dụng iHanoi không chỉ khẳng định quyết tâm của Thành phố trong việc xây dựng một Thủ đô xanh, thông minh và hiện đại mà còn mở ra những trải nghiệm mới mẻ, thuận tiện cho người dân và du khách. Điều này sẽ giúp người dùng tiết kiệm thời gian, giảm bớt phiền hà trong việc tra cứu thông tin./.
Đình Thế