Đóng

Ẩm thực

Nhà văn Thạch Lam với những món quà vặt đượm tình Hà Nội trong “Hà nội Băm mươi sáu phố phường”

Hà Nội băm mươi sáu phố phường”của nhà văn Thạch Lam viết về những món ăn và sự gắn bó giữa ẩm thực với đời sống văn hoá xã hội của người Hà Nội. Đây cũng là tập tuỳ bút đầu tiên viết về Hà Nội với chủ đề ẩm thực.


Hương vị của Hà Nội xưa

Nhà văn Thạch Lam như dắt tay người đọc rong ruổi qua từng con phố, nếm từng thức quà vặt ngon lành. Đó là “bún sườn và canh bún”, bún chả, “bánh khảo, kẹo lạc”…Mỗi thức quà đều được tác giả đặc tả khéo léo nhằm mang tới một hình dung rõ nét nhất về phong vị của người Hà Nội.

Kẹo lạc

“Cũng là thứ bún chả chẳng hạn, cũng rau ấy, thế mà sao bún chả của Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi.”

Bún chả 

“Rồi mùa nực thì hàng xôi cháo: cháo hoa quánh mùi gạo thơm, xôi nồng mùi gạo nếp. Xôi đậu, xôi lạc, xôi vừng mỡ và dừa. Ở, cái xôi vừng mỡ, nắm từng nắm con, ăn vừa gậy vừa bùi. Mà có đắt gì đâu! Ăn một, hai xu là đủ rồi. Mùa rét thì xôi nóng, hãy còn hơi bốc lên như sương mù, ăn vừa nóng người vừa chắc dạ.”

Món xôi nóng hổi nồng mùi gạo nếp 

“Nếu là gánh phở ngon cả Hà Nội không có đâu làm nhiều, thì nuớc dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt, và hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa. Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn thêm bát thứ hai… Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì ở Hà Nội mới ngon…”

Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội 

Cốt cách riêng biệt, lạ lùng của người Hà Nội

Đan xen giữa những dòng viết về ẩm thực, ta cũng có thể thấy được lối sống và thói quen của những người Hà Nội: nề nếp, giản dị và rất riêng biệt.

“Cái chí của Việt ta cũng khác: món quà bán thì cứ muốn bán cho rẻ và nhiều, thích thế để xiêu lòng khách còn cái phẩm có tốt hay không, không quan tâm đến. Cho nên bát mằn thắn của người mình thì có đủ cả rau thơm, xà xíu, đôi khi mấy miếng dồi, và một phần chia tám quả trứng vịt.

Đối với các bà, các cô đi chợ, cô hàng vải, cô hàng rau v.v … là những người ưa món quà gì vừa rẻ vừa ngon, lại vừa no lâu các cô khó tính, sành ăn và hay xét nét lắm đã có món quà của cô hàng cơm nắm lẳng lơ với hai quang thúng bỏ chùng.

Đó là quà tất cả suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa, và ăn phở tối… Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội đều được người ta đặt tên và tưởng nhớ: phố Ga, phố Hàng Cót, phố Ô Quan Chưởng, phố Cửa Bắc …”

Chợ Hà Nội xưa 

Tình yêu Hà Nội sâu sắc

Không chỉ xoay quanh chủ đề ẩm thực, trong “Hà Nội băm sáu phố phường”Thạch Lam còn thể hiện tình yêu Hà Nội qua nỗi trăn trở về sự đổi thay của vùng đất này. Dường như nó đang mất dần đi những giá trị xưa cũ. Dù không mấy hài lòng về điều đó nhưng giọng văn của ông vẫn nhỏ nhẹ, thủ thỉ.

Những cái tục lệ đẹp đẽ ấy nay mất dần đi. Sự sành ăn và cái thưởng thức của người nơi vật đã kém sắc sảo, ý nhị rồi chăng? Có thể mới ra đời được những thứ phục linh cẩu xanh đỏ và nhây nhớt, những thứ kem “Việt Nam” và “Hải Phòng” và “Thượng Hải” và trăm thứ bà rằn vừa nhạt vừa tanh… Tôi còn tha thứ hơn cái thứ “kẹo vừng, kẹo bột” ngày xưa tuy nó không ngon, nhưng ít ra cũng đem lại cho phố phường Hà Nội cái tiếng rao kéo dài và hơi buồn của lũ trẻ bán hàng”.

Như Thạch Lam viết, Hà Nội đẹp bởi con người nơi đây đẹp với cốt cách lạ lùng. Biết bao nghệ thuật trong một bức tranh nhỏ nhưng tinh tế. Và đến được với nghệ thuật ấy không phải chỉ có tài, mà còn phải có lòng yêu, yêu thành thực, yêu trong thâm tâm, yêu những cái bé bỏng của những đời bé bỏng, nghĩa là yêu Hà Nội, vì những cái bé bỏng ấy tức là tất cả Hà Nội.

Với một lối hành văn nhẹ nhàng, thanh thoát, Thạch Lam đã bất tử hóa những cái bình thường, và làm rung động con tim những người yêu mến Hà Nội. Sau ông, hàng loạt những tác phẩm với đề tài tương tự ra đời từ những cây bút khá nổi danh như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Mai Thảo. Có thể nói, ông là người tiên phong đầy tài hoa và sáng tạo cho thể loại viết và bàn luận về Hà Nội qua lăng kính ẩm thực này.

 

                                                                                                           An Biên ( ảnh st)

12024-12-31 23:59:592025-02-08T01:40