Close

EVENTS

The effectiveness of the “Initiative and Creativity” movement in Bac Tu Liem district

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Bắc Từ Liêm đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Qua đó, tạo động lực to lớn để công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) hăng hái lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Nhiều sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm Ngô Anh Tú, hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần sáng tạo của CNVCLĐ trong lao động, sản xuất, hằng năm, ngay sau khi có kế hoạch chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ quận đã xây dựng kế hoạch Hướng dẫn xét tặng, tổ chức biểu dương “Sáng kiến, sáng tạo” trong CNVCLĐ tới các Công đoàn cơ sở (CĐCS).

Đối tượng xét tặng là cán bộ CNVCLĐ đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế có CĐCS. Tiêu chuẩn xét tặng sáng kiến, sáng tạo được cụ thể hoá đối với chuyên môn của CNVCLĐ từng lĩnh vực, ngành nghề.

Hiệu quả từ phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” tại quận Bắc Từ Liêm
Anh Trần Văn Phú – Công ty Cổ phần Hà Yến được tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô.

Thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, quận, ngay từ đầu năm, các CĐCS trực thuộc quận đã phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát động phong trào thi đua và tổ chức cho đoàn viên, CNVCLĐ đăng ký các sáng kiến, sáng tạo, đề tài khoa học để có cơ sở xét chọn.

Đối với khối sản xuất, kinh doanh, việc đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật được tập trung vào các nội dung: Làm cho công việc thực hiện dễ dàng hơn; giảm bớt những công việc nặng nhọc, nguy hiểm; làm tăng hiệu quả, giảm bớt các phiền hà trong công việc; tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh.

Việc đẩy mạnh phát huy sáng kiến, sáng tạo trong các doanh nghiệp được thực hiện theo hướng thiết thực, cụ thể. Bộ phận quản lý lắng nghe ý kiến của người lao động, dù các ý kiến đơn giản, quan tâm đến việc huấn luyện, đào tạo để trang bị cho người lao động kỹ năng phân tích vấn đề trong quá trình làm việc.

Ngoài ra, hằng năm thông qua các cuộc thi “Thi thợ giỏi”, “Bàn tay vàng”… cũng giúp người lao động có cơ hội được học hỏi, phát huy khả năng tối ưu hóa trong từng công việc. Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, mà còn nâng cao năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập cho chính người lao động.

Ghi nhận những sáng kiến, sáng tạo của người lao động, Ban Chấp hành các CĐCS chủ động phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp thành lập Hội đồng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật xét duyệt chọn lựa những sáng kiến, biểu dương khen thưởng tại đơn vị, đồng thời lựa chọn sáng kiến, sáng tạo có giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định gửi về LĐLĐ quận, đề xuất Thành phố, quận biểu dương khen thưởng.

Trong số các đơn vị tiêu biểu, có thể kể đến Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Hà Nội; Công ty TNHH Hoàng Vũ, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng ACE6, Công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất Âu Cơ, Công ty TNHH Sơn Kova…

Hiệu quả từ phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” tại quận Bắc Từ Liêm
CNVCLĐ quận Bắc Từ Liêm tham gia Hội thi thợ giỏi cấp Thành phố.

Bên cạnh những tập thể tiêu biểu là những cá nhân tiêu biểu như: Anh Đỗ Ngọc Nam, Công ty TNHH Hoàng Vũ. Anh Nam từng đạt giải Nhất cuộc thi tay nghề cấp tổ trưởng do công ty tổ chức; có nhiều sáng kiến cải tiến mang lại hiệu quả trong sản xuất. Cụ thể, anh đã cải tiến chế tạo giá đổ cây của máy đánh bóng, hạn chế tối đa việc gây xước bề mặt, tạo ra sản phẩm đẹp, góp phần nâng cao giá thành sản phẩm. Anh cũng cải tiến hệ thống hút mạt đầu cây ở lốc, giúp mạt không bị bám vào hàng, giảm thao tác cho công nhân vận hành máy, giảm sức người, tăng năng suất lao động.

Hay như anh Vũ Huy Quảng, công nhân Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng ACE 6 Việt Nam. Anh Quảng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua của Công ty và luôn được lãnh đạo Công ty đánh giá cao. Anh đã mạnh dạn đề xuất thành lập Tổ gia công tại kho chuyên sửa, chữa và làm mới để tái sử dụng vật liệu. Với đề xuất này, hằng tháng đã làm lợi cho Công ty 30 – 40 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2024, quận có 2 công nhân được tuyên dương Công nhân giỏi Thủ đô là anh Trần Văn Phú – Công ty Cổ phần Hà Yến và anh Nguyễn Xuân Trường – Công ty TNHH Thiết bị khuôn mẫu và điều khiển số Việt Nam Hâm Thái.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Cùng với khối doanh nghiệp, việc phát huy sáng kiến, sáng tạo trong khối các trường học cũng được các cấp Công đoàn quận Bắc Từ Liêm đặc biệt chú trọng. Theo đó, Công đoàn khối Trường học tiếp tục duy trì hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt học tốt”, viết và phát huy sáng kiến kinh nghiệm trong đội ngũ giáo viên. Các sáng kiến kinh nghiệm chủ yếu đi vào đổi mới phương pháp dạy và học, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động dạy học.

Tiêu biểu trong phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm có thể kể đến tập thể các trường Trung học Cơ sở (THCS) Xuân Đỉnh, THCS Phúc Diễn, THCS Phú Diễn, Tiểu học Đông Ngạc A, Tiểu học Văn Tiến Dũng, Mầm non Minh Khai, Mầm non Kiều Mai…

Hiệu quả từ phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” tại quận Bắc Từ Liêm
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng tặng Giấy khen cho CNVCLĐ có sáng kiến, sáng tạo nổi bật.

Cùng với tập thể, nhiều cá nhân có sáng kiến tiêu biểu có thể kể đến như: Sáng kiến “Một vài kinh nghiệm trong dạy môn Lịch sử lớp 8, nhằm thắp lên tình yêu và ý thức chủ quyền biển đảo cho học sinh” của tác giả Phạm Thị Hường – Trường THCS Phú Diễn. Sáng kiến đã nhấn mạnh, biển đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Bảo vệ chủ quyền biển đảo là trách nhiệm của toàn Đảng toàn dân, nhất là thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước. Bằng tình yêu và nhận thức về chủ quyền biển đảo, người giáo viên cần thắp lên ngọn lửa tình yêu và khơi dậy cho học sinh ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước ta.

Sáng kiến “Một số biện pháp xây dựng lớp học hạnh phúc qua các hoạt động trải nghiệm cho học sinh lớp 5 ở trường tiểu học” của tác giả Nguyễn Thị Vân Anh – Trường Tiểu học Cổ Nhuế 2A, đã xây dựng không gian lớp học trải nghiệm; tạo dựng không khí hào hứng, vui tươi qua các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, giúp học sinh luôn chủ động, tích cực trong học tập và các hoạt động khác, học sinh hạnh phúc khi tới trường, tới lớp.

Hiệu quả từ phong trào “Sáng kiến, sáng tạo” tại quận Bắc Từ Liêm
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu.

Hay sáng kiến “Một số biện pháp xây dựng bầu không khí làm việc tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường mầm non” của tác giả Trần Thị Kim Yến – Trường Mầm non Tây Tựu. Sáng kiến đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như: Đổi mới phong cách quản lý của Hiệu trưởng; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; phân công nhiệm vụ cán bộ, giáo viên, nhân viên phù hợp với năng lực chuyên môn và vị trí việc làm; xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa Hiệu trưởng và các thành viên trong nhà trường; thực hiện công khai, dân chủ trong đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên; tổ chức và thu hút cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các hoạt động tập thể góp phần xây dựng tập thể sư phạm đoàn kết, phát triển và thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…

“Có thể nói, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành LĐLĐ quận, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo” do Công đoàn các cấp phát động đã được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thu hút người lao động tham gia, và được cụ thể hóa vào các ngành nghề phù hợp với nhiệm vụ chính trị từng cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, tạo động lực to lớn để CNVCLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm Ngô Anh Tú nhấn mạnh.

Lê Thắm
12024-12-31 23:59:592025-01-18T09:50